Tôi đã dành thời gian để đọc bản dịch 2 cuốn “Làm cha mẹ tỉnh thức” (The conscious parent) và “Gia đình tỉnh thức” (The awaken family) của tác giả S. Tsabary do Thái Hà Books cho ra mắt gần đây. Phải nói là tôi đọc không kỹ lắm vì cảm thấy khó vào, các ý cứ dồn dập đến nhưng rồi trôi tuột đi rất khó chốt lại. Cũng có thể do tôi đọc nhanh quá, nhưng rõ ràng là có nhiều quyển mà đọc phát thấy vào ngay.
Ngẫm nghĩ một lúc, tôi nhận thấy một số điểm sau:
– Sách có cấu trúc không chặt chẽ, các chương nối đuôi nhau mà không rõ theo thứ tự gì
– Sách có những lời khuyên nghe chí lý nhưng rất khó theo, tỷ như “thấu hiểu sự vô minh” hay “dạy con bằng sự trọn vẹn thay vì những vết thương”
– Cách hành văn của tác giả khiến những cha mẹ như tôi cảm thấy mình thật tội lỗi kém cỏi, còn tác giả thì siêu phàm, vấn đề nào cũng có lời giải ngon ơ. Điều này có thể khiến người đọc hoang mang.
– Thật ra sách có rất nhiều lời khuyên hay và dễ làm, ví dụ như “kết quả không quan trọng bằng quá trình”, hay “khi có sự cố thì ngăn chặn sự cố, còn việc rút ra bài học thì để sau”, nhưng vì chúng quá nhiều và không được đúc kết lại theo từng nhóm (do thiếu cấu trúc tốt) nên khó nắm bắt
Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất mà cuốn sách đầu có nhắc đến nhưng theo tôi là chưa nhấn mạnh đủ, là việc làm sao để bản thân bố mẹ ý thức được những nỗi đau, những sự ngược đãi mà bản thân mình đã trải qua lúc nhỏ mà mình không biết, chưa lôi được ra tầng ý thức. Những sự ngược đãi mà bố mẹ gây ra cho mình lúc nhỏ, một cách cố ý hay vô ý (nếu có). Những vết thương đó vẫn được cơ thể lưu giữ ở dạng vô thức, và nó chi phối hành vi của bố mẹ với con cái bây giờ, khiến bố mẹ lại làm với con những gì ông bà đã làm với bố mẹ.
Câu chuyện ngay đầu sách, Chương 2, về Anya (người mẹ) và Jessica (con gái) là minh họa cho sự thật nêu trên. Anya vốn bị bố mẹ chối bỏ và khinh miệt, và bây giờ đang vô thức lặp lại điều đó với Jessica, khiến con bé trầm cảm và tự rạch tay. Tuy nhiên, việc Anya thoát khỏi dính mắc của quá khứ lại được mô tả quá đơn giản dễ dàng: “chỉ khi Anya suy xét lại thời thơ ấu và giải tỏa cơn tức giận đối với bố mẹ thì cô mới có thể buông tha cho con gái khỏi cái bẫy ‘hoàn hảo’ mà cô đã bị kẹt suốt cuộc đời”. Hai câu chuyện về Samantha và Jonathan ở chương 10 cũng cùng chủ đề.
Chủ đề chấn thương thời thơ ấu và cái chuỗi luẩn quẩn truyền từ đời này sang đời khác một cách vô thức được nhà tâm lý học Alice Miller nghiên cứu và viết nhiều sách. Nổi tiếng nhất, và đã được dịch sang tiếng Việt, là cuốn Bi kịch của đứa trẻ tài năng. Theo bà, việc thoát khỏi “cái bẫy” như Anya mắc vào là vô cùng khó. Và nếu không làm được, thì có lẽ cha mẹ sẽ không thể thực sự tỉnh thức để làm theo các lời khuyên của tác giá Tsabary, vì hành vi của chúng ta được chi phối chủ yếu bằng vô thức chứ không phải ý thức.
Vì thế, tôi nghĩ tác giả phải nói kỹ hơn về chủ đề này cũng như đưa ra các đầu sách tham khảo quan trọng để độc giả tìm hiểu sâu thêm nếu muốn.
Phan Phương Đạt
