TS Adah Maurer và James S. Wallerstein
Vụ phạt tội phạm cuối cùng bằng hình thức quất roi được coi là hợp pháp ở Hoa Kỳ xảy ra ở Delaware vào năm 1952. Cũng trong năm đó, hình thức man rợ này trở thành bất hợp pháp, nhưng phải đến năm 1972, Delaware mới chính thức dỡ bỏ cái cột trói tội phạm để đánh ở nhà tù tiểu bang.
Hình phạt quất roi vì tội say xỉn hoặc có hành vi mất trật tự trong Hải quân đã bị bãi bỏ vào năm 1853. Thủy quân lục chiến rốt cuộc đã cấm tất cả các hình thức trừng phạt thân thể vào năm 1957 sau khi một hạ sĩ quan huấn luyện dẫn một cuộc tuần hành kỷ luật vào một vũng lầy khiến sáu thanh niên chết đuối. Giờ đây, các huấn luyện viên quân sự không được phép chạm vào người hoặc quần áo của lính mới, và “bất kỳ vết gãy, chấn động, va chạm hoặc rạn da nào đều sẽ được coi là bằng chứng cơ bản của việc dùng vũ lực quá mức.” Không có ngoại lệ nào được đưa ra với lý do một số thanh niên dễ bị bầm tím.
Chế độ nô lệ và nô dịch không tự nguyện luôn được duy trì với sự trợ giúp của đòn roi, nhưng điều đó đã biến mất ở Hoa Kỳ với Tuyên bố Giải phóng bởi Tổng thống Lincoln, ngày 1 tháng 1 năm 1863.
Bạo hành trong hôn nhân từng được gọi là “sự trừng phạt hợp lý đối với người vợ” và được cho là cần thiết để duy trì sự tôn nghiêm và ổn định của gia đình. Tất cả các tiểu bang hiện đều có luật chống lại những vụ hành hung như vậy, và cơ quan thực thi pháp luật và tòa án đã bắt đầu xem xét nghiêm túc các khiếu nại về việc bạo hành của các cặp vợ chồng.
Chỉ có trẻ em
Bây giờ, vào năm 1987, hình phạt thân thể được coi là quá nghiêm khắc đối với những kẻ phạm trọng tội, kẻ giết người, tội phạm ở mọi loại và lứa tuổi, bao gồm cả phạm tội vị thành niên, quá khắt khe đối với binh lính, thủy thủ, người hầu và vợ hoặc chồng. Nhưng nó vẫn hợp pháp và được chấp nhận đối với trẻ em vô tội.
Lý do đằng sau sự khác biệt gây tò mò này là niềm tin rằng hình phạt thể chất sẽ ngăn đứa trẻ trở thành tội phạm. Các tiêu đề thường xuyên kiểu “Tình trạng phạm pháp ở lứa tuổi vị thành niên gia tăng” thường được dùng để đổ lỗi cho việc nhà trường và gia đình đã bớt sự dùng hình phạt thể xác. “Sự dễ dãi”, hay là để đứa trẻ làm theo ý mình, mà nhiều người coi là hình thức duy nhất thay thế cho đánh đòn, được tin tưởng là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi chống đối xã hội. Ở thời xưa tươi đẹp, người ta nói rằng, “kỷ luật kiểu truyền thống” khép trẻ con vào lề lối. Thời đó có rất ít tội phạm. Sự hài hòa ngự trị. Nhưng liệu có đúng như vậy?
Sự thật về “Ngày xưa tốt đẹp”
Không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về mức độ phạm tội cách đây một trăm hay một trăm năm mươi năm. Tuy nhiên, tất cả các bài báo cho thấy tội phạm ở Hoa Kỳ xảy ra rộng khắp, đặc biệt là tội phạm bạo lực và tội phạm trong giới trẻ. Những công dân tốt của nước Mỹ thế kỷ 19 cũng cảm thấy lo lắng. Họ nhìn lại những ngày xưa tốt đẹp của cuộc sống nông thôn đơn sơ, trước khi các đô thị lớn mọc lên. Các thành phố đông đúc và nhiều tội phạm ở phía Đông được nhìn nhận tiêu cực so với “không gian rộng mở” của miền Tây – cái miền Tây của những kẻ sát nhân như Jesse James và Nhóc Billy!
Kỷ luật trong các ngôi trường một phòng từng là bạo lực. Thông thường, giáo viên tham gia vào một cuộc tay bo với học sinh to con nhất như một lời cảnh báo cho những kẻ khác về chuyện điều gì sẽ xảy ra với chúng nếu chúng kích động cơn thịnh nộ của ông ta. Horace Mann, cha đẻ của nền giáo dục Hoa Kỳ, đã chỉ trích mạnh mẽ số lượng hình phạt đòn roi mỗi ngày, đôi khi nhiều hơn số thầy giáo. Hầu hết ông bà cố của chúng ta thỏa mãn với nền giáo dục ở mức lớp bốn, và chỉ có 5% là vượt qua lớp tám. Những người đàn ông miền núi ngoài vòng pháp luật ở Old West được tuyển chọn từ những đứa trẻ 14 tuổi, phải bỏ chạy cong đuôi sau khi nhận quá nhiều trận đòn. Những kẻ sống ngoài vòng pháp luật đã đánh cắp ngựa và gây tai họa cho những người không có khả năng tự vệ. Treo cổ và hành hình ở nơi công cộng là chuyện bình thường trong khi bọn móc túi hoạt động giữa đám đông. Chỉ có lực lượng dân quân và đội cảnh sát duy trì mọi trật tự.
Thế mà, vẫn còn cái huyền thoại rằng chỉ có luật rừng áp dụng khi còn trẻ mới giữ cho các cậu bé khỏi cuộc sống phạm tội, và rằng sự tôn trọng thẩm quyền chỉ được thúc đẩy bởi những phương pháp đau đớn gây ra sợ hãi và oán giận.
Vậy sự thật là gì? Hãy cùng tìm hiểu kỹ các sự kiện (facts) về tác động của nhục hình đối với khả năng trở thành tội phạm.
Hậu quả của hình phạt thể chất
Lượng adrenalin tăng mạnh khi sợ hãi, tức giận và trừng phạt thể xác. Khi điều này kéo dài hoặc thường xuyên lặp lại, sự cân bằng nội tiết không thể trở lại mức ban đầu. Nạn nhân trở nên dễ nổi giận, dễ bị mất khả năng kiểm soát xung động, và bột phát bạo lực.
Thành quả giáo dục bị ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp. Các nghiên cứu về các tù nhân, vị thành niên phạm pháp, học sinh bỏ học, sinh viên năm nhất đại học và các chuyên gia thành công được so sánh trong báo cáo tổng hợp sau:

Tham gia cuộc khảo sát này gồm có: 200 nhà tâm lý học điền vào bảng câu hỏi ẩn danh, 372 sinh viên tại Đại học California, Davis và Đại học Bang California tại Fresno, 52 học sinh không đạt yêu cầu tại Trường Trung học Richmond. Những vị thành niên phạm pháp được phỏng vấn bởi Tiến sĩ Ralph Welsh ở Bridgeport, Connecticut và Tiến sĩ Alan Button ở Fresno, California. Thông tin về tù nhân được cung cấp bởi Hobart Banks, M.S.W., cố vấn của những tù nhân gặp khó khăn tại San Quentin Penitentiary, San Quentin, California.
Thời điểm
Có phải những trẻ vị thành niên phạm pháp lớn lên trong môi trường thiếu kỷ luật không? Hay là kỷ luật quá nhiều? Tiến sĩ Alan Button báo cáo: “Hóa ra, đây có vẻ là một câu hỏi sai. Chúng ta nên hỏi về trình tự. Cha mẹ của những đứa trẻ phạm tội, tất cả họ, đều thừa nhận đánh đập đứa trẻ trong suốt mười đến mười hai năm đầu đời, nhưng hiếm khi sau đó. Họ ngừng đánh trẻ bởi “chẳng có tác dụng”. Sau đó người thẩm phán, khi phát hiện ra rằng cậu bé không được trông nom, đã lên án (đổ lỗi cho) sự dễ dãi.
Lý thuyết dây thắt lưng
Tiến sĩ Ralph Welsh, người đã kiểm tra tâm lý cho hơn 2.000 tội phạm vị thành niên, đã phát triển cái mà ông gọi là “Lý thuyết dây thắt lưng về Tội phạm Vị thành niên.” Tiến sĩ Welsh nói với chúng tôi:
“Hầu như không có trẻ vị thành niên nam giới phạm tội nhiều lần nào mà chưa từng bị đánh bằng thắt lưng, dây điện nối dài hoặc nắm đấm. Trong quá trình phát triển của trẻ vị thành niên phạm tội, nếu hình phạt thể xác ngày càng tăng, thì họ càng có khả năng tham gia vào hành vi tội phạm”.
Lái xe khi say
Các vụ tai nạn ô tô do lái xe trong tình trạng say rượu được gia tăng bởi một yếu tố tiềm ẩn. Sự tức giận bị dồn nén, khi kết hợp với rượu, là nguyên nhân lớn nhất gây ra số người chết trên đường cao tốc lên tới 25.000 mỗi năm, hoặc cứ sau 20 phút lại có một người chết. Một cuộc điều tra của Donald C. Pelz thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội tại Đại học Michigan vào năm 1973 đã dẫn đến phát hiện của ông rằng: “Đối với nam thanh niên, sự tức giận đối với thế giới người lớn thường được xả ra khi lái xe nguy hiểm… Sự thù địch có xu hướng nhân lên cùng với thái độ của họ đối với hệ thống giáo dục… Những người đã khước từ hệ thống trường học … có khả năng sẽ khước từ hệ thống đường cao tốc”. Trên thực tế, ông kết luận rằng việc kìm nén cơn giận thậm chí còn nguy hiểm hơn việc uống rượu bia, nhưng sự kết hợp cả hai là nguy hiểm nhất. Sự xúc phạm đối với một nam sinh trung học do bị đét đít một cách đáng xấu hổ sẽ làm tăng mức adrenaline, và nếu chuyện này lặp đi lặp lại đủ thường xuyên thì adrenaline sẽ luôn luôn giữ ở mức cao. Chúng là những quả bom hẹn giờ, gây thương vong rải rác trên chiến trường là các con đường và các nút giao cắt của đất nước ta.
Đánh đòn em bé
Hiệu ứng bắt đầu sớm. Những đứa trẻ chỉ hơn một tuổi đã được quan sát với mẹ của chúng tại một phòng khám ở Đại học Houston. Các bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Psychology Today về các phương pháp kỷ luật mà họ đã sử dụng cho thấy rằng những đứa trẻ bị trừng phạt về thể chất tỏ ra ít tuân theo hướng dẫn không được chạm vào các đồ vật dễ hỏng hơn so với nhóm khác. Quan trọng hơn, bảy tháng sau, những đứa trẻ bị trừng phạt đã tụt lại phía sau những đứa trẻ khác trong các bài kiểm tra về phát triển.
Lý do thực sự
Tại sao, với tất cả những bằng chứng về tác động hủy diệt của những hình phạt đau đớn về thể xác, nhiều người vẫn tiếp tục tin rằng cách thay thế duy nhất cho việc đánh đập trẻ là mặc kệ cho chúng làm theo ý mình? Và những gì chúng làm theo ý mình sẽ luôn là lầm lỗi, nếu không phải là tội phạm?
Tại Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Trừng phạt Thể xác tại Đại học Temple ở Philadelphia, một dự án nghiên cứu lớn đã hỏi những người lớn về lý do cho niềm tin của họ, cả ủng hộ và không ủng hộ đòn roi. Hầu hết đều nghĩ rằng họ đã đạt đến niềm tin của mình một cách hợp lý, nhưng thật ra, yếu tố quyết định thực sự là lịch sử thời thơ ấu của chính họ. Những người từng bị đánh đòn, bị đét đít, bị roi, v.v. có xu hướng áp đảo là tin vào nó. Còn những người không bị đánh, và đã học ở các trường học không phạt đòn, thì không tin việc đánh đập có tác dụng tích cực gì, hoặc bị sốc và khiếp đảm trước ý nghĩ đó. Thường xuyên, ngôn ngữ hành động của thời thơ ấu của chúng ta vượt qua tư duy logic. Tư duy và thói quen có thể thay đổi, nhưng nó cần sự đánh giá chu đáo và động lực đáng kể, ngay cả với những người có thiện chí.
Ngược đãi ở mức thể chế
Cho dù việc đánh đập trẻ là do cha mẹ đẻ hay do những người khác thay thế, dường như không có sự khác biệt nào ngoại trừ việc các hình phạt mang tính thể chế, mà không có cả những khoảnh khắc hiếm hoi của tự hào và gắn bó, trong một số trường hợp lại có thể giảm nhẹ những tác động tồi tệ nhất. Charles Manson, con của một bà mẹ đơn thân 15 tuổi, lần đầu tiên tiếp xúc với cảnh sát khi mới 7 tuổi và đã dành phần đời còn lại của mình trong hàng loạt nhà nuôi dưỡng, trại cải tạo và nhà tù. Anh ta nói đã có thể vượt qua việc bị mẹ mình khước từ, nếu như trại cải tạo của chính quyền không quá tàn nhẫn đến thế, đánh đòn, đánh đập và hãm hiếp anh ta, và để cho các tù nhân khác làm điều tương tự.
Một cuộc khảo sát với 3.900 người ở Houston về ảnh hưởng của việc trừng phạt thân thể ở trường học đối với cuộc sống của họ cho thấy 76% trong số họ nói rằng những tác động này là tiêu cực và họ tiếp tục phẫn nộ với những gì đã xảy ra với họ. Tức là khoảng một phần tư trong số họ đã có thể bỏ qua, và một số ít cảm thấy biết ơn vì sự trừng phạt kịp thời đã “cứu tôi khỏi cuộc sống tội phạm”. Như vậy, người chứng thực cho quan điểm rằng “tôi đã bị đánh khi còn nhỏ và đã phát triển tốt” phải được nhìn nhận là một kẻ sống sót, và được chúc mừng vì sức mạnh tính cách đã giúp anh ta có thể sống tốt bất chấp việc bị ngược đãi từ sớm. Nhà tâm lý học Robert Fathman đã so sánh: “Nhiều người lớn lên trong những ngôi nhà có công trình phụ ở ngoài sân và rồi họ đã phát triển tốt. Nhưng chả lẽ công lao là vì công trình phụ nằm ở ngoài sân?”
Lời người biên tập: Kể từ năm 1987, khi bài báo này được viết, nhiều quốc gia đã đặt ra luật cấm trừng phạt thân thể đối với trẻ em. Thật không may, kể từ năm 2021, nó vẫn hợp pháp ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và nhiều quốc gia khác.
Nguồn: The Influence of Corporal Punishment on Crime
Quỳnh Anh dịch, DatPP hiệu đính.