Khóa học TÂM LÝ TUỔI MỚI LỚN
Giảng viên: Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh
Thời lượng: 04 buổi (link đăng ký).
Dẫn nhập:
Những đứa trẻ lớn lên, dường như bắt đầu khép dần cánh cửa tâm hồn mình trước các bậc phụ huynh. Những bí mật nho nhỏ của chúng không được chia sẻ cũng khiến người mẹ buồn lòng, ông bố sốt ruột, lo lắng. Thế giới riêng đẹp đẽ của chúng mãi mãi sẽ là bí ẩn, sẽ là căn phòng khóa trái nếu không có một cách “gõ cửa” hợp lý. Vậy mà không phải người làm cha làm mẹ nào cũng hiểu điều ấy. Họ đã quên mình như thế nào ở tuổi mười ba!
Trong 3 lứa tuổi khủng hoảng của một đứa trẻ thì tuổi mới lớn, tuổi dậy thì (từ 12 đến 16-17 tuổi) có thể là giai đoạn khủng hoảng mạnh nhất, nhiều dằn vặt nhất và để lại nhiều ấn tượng cả tích cực lẫn tiêu cực nhiều nhất trong ký ức. Tuy nhiên, cha mẹ rất cần phải biết rằng, giai đoạn này không chỉ là lúc trẻ chịu đựng khủng hoảng mà còn là lúc, qua khủng hoảng, trẻ bắt đầu học cách tự đánh giá bản thân cao hơn và chuẩn bị cho quá trình tự lập phía trước: tự lập trong tư duy, trong sinh hoạt, trong các quyết định nghề nghiệp. Thời kỳ này, các cô cậu bé vấp phải một vấn đề là họ luôn bị ngợp (ngại, sợ) những người lớn. Dường như uy tín của người lớn, những kinh nghiệm của người lớn luôn luôn là sự cản trở các cô cậu bé thể hiện mình, mà nhiệm vụ của các cô cậu bé tuổi này đặt ra là PHẢI SỐNG KHÁC ĐI so với thời kỳ trước đó, nếu không thì làm sao mà đi đến trưởng thành được? Vì vậy, họ thường: SỢ HÃI, HOANG MANG, KHÔNG TỰ TIN dẫn đến rất thường tỏ ra BỰC BỘI, CÁU GIẬN với người lớn.
Do không nắm được quy luật phát triển tâm sinh lý này của trẻ, bố mẹ thường cảm thấy khó hiểu, khó thông cảm với những cách thể hiện bực bội cáu giận ấy khiến khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ lớn thêm. Điều đó khiến bố mẹ buồn phiền mà cũng chính các cô cậu bé cũng không biết phải sống làm sao để vừa lòng bố mẹ và đáp ứng được những nhu cầu tinh thần mới của bản thân. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đó là cú hích khiến cho những đứa trẻ của chúng ta phải vùng vẫy để tìm đường đi tiếp, giải quyết những vấn đề của mình, tự tìm hiểu bản thân và tìm ra một quyết định mới. Đó là những quyết định gì?
- Trẻ phải khẳng định sự TỰ LẬP, KHÔNG PHỤ THUỘC của mình: tự giải quyết các vấn đề của mình; xem xét lại một loạt CÁC GIÁ TRỊ (tình bạn, tình yêu, trách nhiệm…); tìm ra các nguồn thông tin và các nơi có thể khẳng định vị trí và cái “tôi” của mình, ngoài bố mẹ và người thân. Lúc này, BẠN BÈ, THÀY CÔ đối với trẻ rất quan trọng, uy tín của bạn bè lớn dần lên so với trước đây. Bố mẹ đôi khi phải lùi lại một bước trong các mối quan hệ của con.
- Trẻ cần có sự sẵn sàng cho việc… trưởng thành và ngày càng trở nên tự tin hơn khi NHẬN THỨC VÀ ĐÁNH GIÁ ĐƯỢC BẢN THÂN
- Trẻ bắt đầu hướng tới việc XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH LÂU DÀI CHO CUỘC ĐỜI VÀ NGHỀ NGHIỆP để có thể hăm hở đi theo con đường mình chọn. Rất sai lầm nếu ở thời điểm này, bố mẹ hoàn toàn quyết thay cho con.
- Trong mọi hành động của mình, trẻ cần học được cách TỰ KIỂM SOÁT CẢM XÚC, ĐIỀU KHIỂN ĐƯỢC CHÍNH KIẾN VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN – đây là những khái niệm rất quan trọng.
Vai trò của bố mẹ trong thời điểm này là gì? Bố mẹ cần hiểu được những vấn đề của con để đồng cảm và có quyết định can thiệp hay không can thiệp, mức độ can thiệp thế nào để con có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, những trải nghiệm quan trọng để có thể lớn lên? Bày tỏ yêu thương, lo lắng cho đứa trẻ tuổi “teen” thế nào là vừa đủ, đúng mực, “thông minh” để vừa là hậu phương vững chắc của con, vừa không ngăn cản con trưởng thành? Đây là những vấn đề có thể được trao đổi và chia sẻ (mà chưa chắc đã được giải quyết hoàn toàn vì câu chuyện đồng hành cùng con gần như không có khuôn mẫu cứng nhắc) trong khóa học này.
Hình thức
Khóa học kéo dài 4 tuần, mỗi tuần một buổi 90p. Mỗi buổi sẽ có 3 phần: chia sẻ, trình bày vừa đủ; phần giải quyết một số bài tập về tâm lý và tình huống; phần trao đổi hỏi/đáp.
Đối tượng học
Dành cho các bố mẹ có con ở tuổi mới lớn, từ 12 tuổi trở lên.
Các chủ đề sẽ đề cập:
STT | Chủ đề | Nội dung |
---|---|---|
1 | Khủng hoảng tuổi dậy thì: góc nhìn và tâm thế đón nhận. | Đại cương về sự thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì và cách cha mẹ cùng con chuẩn bị đón nhận các vấn đề khủng hoảng. |
2 | Câu chuyện lòng tin | Tỏ ra tin tưởng hay nghi ngờ?; Đặt mật khẩu máy tính hay không?; Kiểm tra hay giám sát?… Lòng tin của bố mẹ khiến con có lòng tin vào bản thân, lòng tin vào những cảm xúc và trực giác của mình. Các nguyên tắc ứng xử với các mối quan hệ bạn bè của con; Cách tiếp cận và nuôi dưỡng sự tin cậy giữa các thế hệ. |
3 | Rung động đầu đời | Nói gì với con về tình yêu? Ai có thể trở thành quân sư của con, người bạn để con chia sẻ, cùng con xây dựng “bộ giá trị tình yêu”? |
4 | Nghe và nói. Những thông điệp bị hiểu sai. | Cùng con vượt qua những cơn bùng nổ của tuổi dậy thì. Nói để con nghe, nghe để con nói: Làm sao để lắng nghe mà không phán xét, không nổi nóng? Làm sao nói để trao gửi được thông điệp chính xác, khiến hai bên hiểu được nhau? Những sắc thái lời nói. Các nguyên tắc loại bỏ những lời nói gây tổn thương trong cuộc sống gia đình. Quan điểm và định hướng của bố mẹ đối với ngôn ngữ teen, tiếng lóng, ngôn ngữ mạng. |
5 | Tự bảo vệ mình trong các mối quan hệ xã hội. Internet, game online, mạng xã hội và những nguy hiểm tiềm ẩn. | Cùng con trò chuyện về cách ứng xử phù hợp, xử lý mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội. Chuẩn bị cho con về mặt tâm lý và những thông tin, kỹ năng cần thiết trước khi bắt đầu sử dụng mạng; Các vấn đề hệ luỵ: nghiện game, nghiện mạng, có mối quan hệ qua mạng, vào các trang sex. |
6 | Gõ cửa vào thế giới tuổi teen. | Câu chuyện thần tượng và âm nhạc, gu thời trang, đầu tóc, áo quần. Cái nhìn độ lượng và chia sẻ giữa các thế hệ về chủ đề âm nhạc, thời trang, thần tượng, cách thể hiện hâm mộ… là một cách giao lưu cảm xúc giữa bố mẹ và con cái. |
7 | Không gian riêng tư cho một cá thể độc lập | Cảm thức tự do của trẻ – chuẩn bị cho ý thức tự lập và độc lập giải quyết vấn đề của mình: Khoảng không gian và thời gian riêng tư cần được tôn trọng. |
8 | Đọc hay xem – Lựa chọn của tuổi teen? | Hướng con tìm được sự cân bằng giữa đọc và nghe nhìn; xây dựng văn hoá đọc gia đình. |
9 | Tình yêu và tình dục có phải là đề tài thảo luận giữa bố mẹ và con cái? Câu chuyện giáo dục giới tính. | Những nguyên tắc giúp bố mẹ cùng con tiếp cận vấn đề tình yêu, tình dục đối với tuổi mới lớn một cách phù hợp, vừa đủ và tự nhiên. Các cách cùng con tìm hiểu những vấn đề liên quan đến giới tính ở lứa tuổi dậy thì. Phân biệt vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản. |
10 | Cha mẹ “trực thăng” và đứa trẻ không được lớn | Khái niệm “cha mẹ trực thăng” và những barie từ phía bố mẹ ngăn trở trẻ trải nghiệm và trưởng thành. |
11 | Giá trị đồng tiền và thái độ với đồng tiền. | Thái độ đối với đồng tiền và các giá trị vật chất. Kỹ năng tiêu tiền, quản lý tài chính, mong muốn kiếm tiền ở lứa tuổi này. |
12 | Chọn nghề – con phải nghe bố mẹ? | Các nguyên tắc giúp bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên đối với con trong việc chọn nghề; cùng con trải nghiệm để hướng nghiệp mà không áp đặt. |
13 | Áp lực, stress, sự cô đơn, trầm cảm và cái chết | Áp lực học tập, áp lực thành đạt, áp lực trở thành con ngoan và rất nhiều vấn đề khác trong đời sống học đường có thể khiến trẻ bị stress hoặc trầm cảm. Cách đối mặt và xử lý. |
14 | Câu chuyện ý nghĩa cuộc sống và giá trị bản thân. | Tuổi mới lớn đôi khi đánh mất động lực học, động lực sống, để thời gian trôi vô nghĩa – bố mẹ hiểu vấn đề này ra sao, hỗ trợ con thế nào để cùng con tìm lại ý nghĩa của cuộc sống, mục đích sống và niềm vui sống. |
5 responses to “Giới thiệu khóa học: Tâm lý tuổi mới lớn”
tôi đăng ký
LikeLike
phiền bạn vào form theo link để đăng ký
LikeLike
Tôi đăng ký
LikeLike
tôi đăng ký học. HP là bao nhiêu ạ
LikeLike
Thông tin học phí ở trong form bạn ạ, nhưng lớp đã dừng tuyển rồi, bạn vui lòng chờ lớp sau.
LikeLike